Đề bài: Phân tích bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu
Bài làm
Tố Hữu là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của nền thơ ca cách mạng sau cách mạng tháng Tám 1945. Bài thơ Việt Bắc chính là một đỉnh cao của thơ ca Tố Hữu.
Trong niềm vui lớn và niềm tự hào trước thắng lợi của cuộc kháng chiến. Bài thơ như một sự tổng kết về một giai đoạn lịch sử đầy cam go của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Bài thơ được viết nhân dịp thủ đô được giải phóng, các cơ quan trung ương Đảng và Chính phủ di chuyển từ chiến khu Việt Bắc về thủ đô. Lời thơ chính là những ân nghĩa thủy chung, tình cảm son sắt của người ở lại và người ra đi, là khúc ca ân tình tha thiết.
Tố Hữu đã vận dụng lối đối đáp trong ca dao, dân ca để viết lên bài thơ này. Sử dụng lối xưng hô “mình” và “ta” để đại diện cho đồng bào Việt Bắc với những chiến sĩ cách mạng miền xuôi. Mở đầu bài thơ chính là những cảm xúc dạt dào của người ở lại với người ra đi. Đó chính là cuộc chia tay đầy cảm xúc, mang theo những bịn rịn lưu luyến: “Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”. Người ở lại thì liên tục gợi nhớ đến khoảng thời gian, đến những không gian gắn bó biết bao kỷ niệm. Không quá trực tiếp mà chỉ nhằm gợi tả để người ra đi tự nhớ lại những gì đã trải qua:
“Mình đi có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ , những mây cùng mù
Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai”
Cuộc chia tay với những câu hỏi và sự đối đáp làm nổi bật lên tình cảm chung:
“Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu”
Phân tích bài thơ Việt Bắc
Trong những hoài niệm ấy có ba nỗi nhớ mang theo sự hòa nhập, không tách rời đó là: nhớ về thiên nhiên núi rừng Việt Bắc, về con người và về cuộc sống và chiến đấu ở chiến khu. Trước tiên, thiên nhiên Việt Bắc hiện lên với những vẻ đẹp đa dạng ở nhiều thời gian và không gian khác nhau.Thiên nhiên ấy có khi thơ mộng, lúc lại hùng tráng, kì vĩ và lớn lao. Đặc sắc nhất chính là đoạn thơ khi tác giả viết về vẻ đẹp thiên nhiên nhưng lại gắn liền với đời sống lao động, sinh hoạt của đồng bào. Đoạn thơ được coi là bức tranh tứ bình hết sức tươi đẹp mà bình dị:
“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”
Tám câu thơ có sự đan xen giữa cảnh vật và con người. Qua đó ta thấy được đầy đủ cảnh sắc nổi bật của núi rừng Việt Bắc trong bốn mùa. Cảnh vật có sự chuyển đổi và không chỉ có màu sắc mà còn vang vọng cả âm thanh. Không chỉ nói về cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào Việt Bắc mà nhà thơ Tố Hữu còn làm hiện lên trước mắt người đọc khung cảnh tấp nập, sôi động của cuộc kháng chiến:
"Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất nung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”
Đồng hành cùng những người kháng chiến còn có đồng bào Việt Bắc, có những người dân quân lúc nào cũng hăng hái tham gia vào cuộc kháng chiến và đóng góp công sức không nhỏ vào chiến thắng vào cuộc kháng chiến của dân tộc. Chính vì vậy nên nhà thơ cũng dành những lời thơ mang đậm hào khí của cuộc chiến để nói về họ:
“Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên”
Biết bao sự gian khổ, khó khăn mà quân và dân ta đã phải trải qua và kết lại chính là những chiến thắng vang rộn, bằng những hình ảnh đầy tin yêu và sự lạc quan. Đó chính là tương lai rộng mở của đất nước, là tin thắng trận:
“Tin vui chiến thắng trăm miền
Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng”
Cuối cùng phải nhắc đến đặc sắc nghệ thuật của bài thơ chính là tính dân tộc. Trước tiên chính là thể thơ lục bát được Tố Hữu vận dụng nhuần nhuyễn trong một thi phẩm dài. Thứ hai phải nói đến ngôn ngữ bình dị, gần gũi với ca dao, dân ca nên rất dễ đi vào lòng người. Những chất liệu văn học và văn hóa dân gian được nhà thơ sử dụng một cách nhuần nhuyễn, đa dạng. Bên cạnh đó, chắc hẳn những ai đã đọc hết tác phẩm này sẽ phần nào cảm nhận được tính dân tộc của Việt Bắc không chỉ ở hình thức nghệ thuật mà còn nằm ở chiều sâu tư tưởng cũng như cảm xúc của bài thơ.
Bài thơ Việt Bắc vừa là khúc ca hào hùng về một thời đại cách mạng lại vừa là khúc hát tâm tình đầy thiết tha, sâu nặng của quân và dân ta. Bài thơ xứng đáng là thi phẩm hay nhất của văn học thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
XEM THÊM :
-
Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu
-
Phân tích bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm
-
Phân tích tác phẩm Những đứa con trong gia đình